Bạn khó chịu vì “chứng hôi miệng”, tìm hiểu xem tại sao nhé!

Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, xuất phát từ trong khoang miệng. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó khiến người mắc cảm thấy rất bối rối, mất tự tin khi giao tiếp, là nguyên nhân dẫn đến việc bạn chủ động hạn chế tiếp xúc với người khác do e dè, ngại ngùng bị phát hiện. Thật không vui vẻ gì nếu bị mất tự tin vì chứng bệnh này đúng không nào ! Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nó nhé !

I. Hôi miệng là gì?

Hôi miệng (tiếng Anh là Halitosis) hoặc hơi thở có mùi hôi thường gặp ở nhiều người cả nam và nữ. Hôi miệng không nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới thái độ, hành vi và tâm lý giao tiếp, tác động tới cả công việc  và cuộc sống của người bệnh.
Hôi miệng hình thành từ sự phân huỷ protein của các vi sinh vật và thức ăn ở miệng, dẫn đến sự bay hơi gốc Sulfur gây ra mùi khó chịu.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh hôi miệng

  • Hơi thở có mùi khó chịu, nhất là vào sáng sớm mới ngủ dậy, chiều tối khi đi làm về, khi bụng đói hoặc cơ thể mệt mỏi.
  • Đột ngột xuất hiện các bệnh về răng miệng như: viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu,…
  • Răng có nhiều mảng bám, cao răng – nơi tích tụ các vi khuẩn gây mùi khó chịu.
  • Khô miệng, nước bọt ít.

Đây là những triệu chứng nhận biết sớm nhất của bệnh hôi miệng. Vì vậy, khi xuất hiện một trong những dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

II. Nguyên nhân dẫn đến hôi miệng

1. Các vấn đề răng miệng

Hôi miệng có thể do:

  • Các mảng thức ăn còn bám lại ở kẽ răng, chân răng hoặc bề mặt răng, lưỡi, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men và tiết chế ra các hợp chất có mùi khó chịu.
  • Lưỡi bị viêm, các vết nứt ở lưỡi tạo ra môi trường ít oxy hạn chế hoạt động của tuyến nước bọt. Nước bọt ít là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn phát triển.
  • Răng bị sâu tạo nơi trú ẩn cho vi khuẩn.
  • Nhiễm trùng ở nướu, chân răng, quanh cổ răng…
  • Miệng bị nhiễm trùng hoặc lở loét.
  • Mắc các bệnh về lợi hoặc nha chu.
  • Khô miệng: sau xạ trị hoặc mắc phải hội chứng Sjogren khiến lượng nước bọt trong miệng giảm, tính axit trong miệng tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Các tế bào trong miệng thường sẽ chết đi theo chu kỳ 2 – 4 ngày/ 1 lần và nước bọt sẽ mang những tế bào chết này ra khỏi khoang miệng. Tuy nhiên ở một số người, chu kỳ này diễn ra nhanh hơn, trong vòng 6 – 8 giờ/ 1 lần, khiến các tế bào chết tích tụ nhiều, tự phân huỷ gây ra hôi miệng.

2. Bệnh mũi – xoang

Các bệnh lý về mũi – xoang như viêm mũi xoang cấp mạn, viêm xoang do răng khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu. Ngoài ra các bệnh lý như viêm tuyến bã vùng tiền đình mũi, polyp mũi xoang, ung thư hoặc có dị vật ở mũi cũng là những nguyên nhân hôi miệng thường gặp.

3. Các bệnh lý khác

Hiện tượng trào ngược dịch vị dạ dày cũng là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng

Các bệnh như viêm họng, viêm amidan, ung thư vòm họng…cũng có khả năng làm hôi miệng.

Bệnh chai gan khiến hơi thở hôi mùi tỏi hay trứng thối; bệnh thận hư gây ra mùi tanh trong vòm miệng; bệnh tiểu đường có mùi táo thối; mùi khai từ nhiễm độc niệu; mùi chua của bệnh dạ dày, trào ngược dịch vị…

Một số các bệnh khác có khả năng gây hôi miệng như: lao phổi, AIDS

Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi về hoocmon, sản sinh ra hơi có lưu huỳnh làm hôi miệng

4. Nguyên nhân hôi miệng tạm thời

Khi ăn uống các loại thực phẩm có chứa chất làm khô miệng, như rượu, thuốc lá, hoặc các thực phẩm cung cấp hàm lượng protein, lượng đường cao như sữa, khi phân hủy trong miệng sẽ làm giải phóng các amino axit chứa rất nhiều hợp chất sulphur;
Hành, tỏi cũng là các loại thực phẩm có chứa hàm lượng sulphur cao, có thể đi xuyên qua lớp lót đường ruột vào trong máu, sau đó giải phóng vào trong phổi rồi bốc hơi ra ngoài;
Hút thuốc lá vừa làm tăng hàm lượng chất dễ bay hơi trong miệng và phổi, vừa tình trạng hôi miệng trầm trọng thêm, do nó ảnh hưởng và làm khô niêm mạc miệng;
Hơi thở có mùi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy cũng có liên quan đến việc giảm sản xuất và tiết nước bọt, dẫn tới làm khô miệng tạm thời và gây hôi miệng.

III. Cách điều trị bệnh hôi miệng hiệu quả

Thăm khám và xác định nguyên nhân gây hôi miệng

Hầu hết, nguyên nhân thường gặp là do việc vệ sinh răng miệng kém và mắc các bệnh lý về răng miệng. Do đó, trước tiên, người bệnh cần đến phòng khám nha khoa để xác định nguyên nhân đến từ trong miệng, nếu có viêm nhiễm trong miệng như cao răng, sâu răng, mảng bám, viêm quanh răng, người bệnh cần được thực hiện các can thiệp nha khoa trước tiên.
Nếu hôi miệng không phải do các nguyên nhân trong miệng hoặc sau khi can thiệp nha khoa mà vẫn thấy hôi miệng, thì người bệnh cần thăm khám các chuyên khoa khác như tai – mũi – họng, tiêu hóa, tiết niệu… để có can thiệp xử trí phù hợp.

Súc miệng bằng nước muối

Muối ngoài việc cung cấp khoáng chất cho cơ thể còn là chất sát trùng hiệu quả. Những người bị hôi miệng do các vấn đề răng – miệng có thể sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng sau mỗi bữa ăn.

Ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C

Vitamin C có tác dụng kháng khuẩn, hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn trong vòm miệng. Các loại hoa quả chứa vitamin C giúp gia tăng quá trình tiết nước bọt, giúp ngăn khô miệng.

Vitamin C có nhiều trong kiwi, cam, bưởi, chanh, dâu tây, việt quất. Ngoài ra, người bị hôi miệng còn có thể nhai vỏ chanh đã rửa sạch 1 – 2 lần/ ngày để hơi thở luôn thơm mát.

Cam chứa nhiều vitamin C điều trị hôi miệng hiệu quả

Ăn sữa chua mỗi ngày

Sữa chua làm giảm mức độ gây mùi từ Hydrogen Sulfide trong miệng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, hạn chế các mảng bám và vi khuẩn có hại.

Sữa chua rất tốt cho sức khoẻ răng miệng, ngăn ngừa chứng hôi miệng hiệu quả

Vệ sinh miệng bằng chè xanh

Chất chống Oxy hoá có trong chè có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, loại bỏ mùi hôi miệng hiệu quả. Bạn có thể sử dụng 1 ít lá chè (trà) xanh đã rửa sạch đem ngâm trong nước nóng, đợi cho còn ấm rồi súc miệng hoặc nhai trực tiếp lá chè xanh để vệ sinh răng miệng.

Một số cách chữa hôi miệng tạm thời

như sử dụng kẹo cao su hoặc nước súc miệng, dung dịch xịt thơm miệng,… sau khi hút thuốc lá, ăn hành tỏi.

IV. Vệ sinh răng miệng và những biện pháp phòng hôi miệng:

  • Dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng để lấy các thức ăn thừa trong kẻ răng, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày sau khi ăn.
  • Thường xuyên vệ sinh bề mặt lưỡi.
  • Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng và đúng cách, tránh làm tổn thương bề mặt lưỡi, nướu và má trong.
  • Không nên bỏ bữa vì hoạt động nhai sẽ kích thích tiết nước bọt.
  • Hạn chế các nhóm thực phẩm gây mùi ở miệng.
  • Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ dễ gây nóng trong người dẫn đến lở miệng.
  • Hạn chế dùng các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê, nước ngọt… Từ bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc xì gà.
  • Khi có biểu hiện hôi miệng kèm theo triệu chứng đau ở các cơ quan khác trong cơ thể cần thăm khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Nếu có vấn đề thắc mắc hãy đừng ngần ngại liên hệ với Trung tâm nha khoa thẩm mỹ Anh Dũng để được hỗ trợ nhé!