NHỔ RĂNG THÔNG THƯỜNG BẰNG KÌM VÀ BẨY
Mục tiêu:
- Biết được quy trình nhổ răng thông thường.
- Trình bày được kỹ thuật nhổ răng bằng kìm.
3. Trình bày được kỹ thuật nhổ răng bằng bẩy
Nội dung
1. KHÁI NIỆM
Nhổ răng thông thường là một thủ thuật nha khoa được thực hiện để lấy răng ra khỏi huyệt ổ răng, phương pháp này sử dụng các dụng cụ nhổ răng cơ bản như kìm và bẩy.
Cơ chế nhổ răng: Kìm và bẩy được sử dụng để tạo ra các lực tác động có kiểm soát lên răng, qua đó tác động đến xương ổ răng, gây ra các vết rạn, gãy nhỏ của xương ổ răng, đồng thời làm đứt hệ thống dây chằng quanh răng trước khi răng được lấy ra khỏi huyệt ổ răng.
2. QUI TRÌNH NHỔ RĂNG THÔNG THƯỜNG
Bước 1: Thăm khám
– Trước khi tiến hành nhổ răng cần khai thác kỹ bệnh sử, tiền sử và khám lâm sàng, cận lâm sàng nhằm
xác định chính xác răng có chỉ định nhổ hay không.
– Phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ: các yếu tố nguy cơ có thể gây tai biến cho quá trình nhổ răng như: Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh toàn thân nặng, tiền sử dị ứng kháng sinh, dị ứng thuốc tê, các tình trạng của phụ nữ có ảnh hưởng đến nhổ răng
– Tiên lượng trước cuộc nhổ răng dựa trên các yếu tố lâm sàng, X-quang và xét nghiệm là cần thiết giúp nha sĩ quyết định liệu đã đủ về chuyên môn, cơ sở vật chất, hay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã đảm bảo an toàn để nhổ răng hay chưa; cũng như lựa chọn được phương án nhổ răng và gây tê phù hợp.
Bước 2: Chuẩn bị
– Chuẩn bị bệnh nhân: Giải thích động viên để bênh nhân hiểu và an tâm hợp tác. Đây là khâu rất quan trọng giúp quá trình nhổ răng được an toàn và giảm nguy cơ sảy ra những tai biến, biến chứng không cần thiết.
Đối tượng cần lưu tâm: Người có bệnh toàn thân, người già, phụ nữ, trẻ con, người có nhân cách yếu…
– Chuẩn bị dụng cụ: Các dụng cụ cần chuẩn bị bao gồm: bơm tiêm, kim tiêm, thuốc tế, dụng cụ bóc tách lợi, kìm, bẩy nhổ răng thích hợp với răng cần nhổ, bông, gạc, thuốc sát khuẩn, găng tay.
– Chuẩn bị của phẫu thuật viên: Cần có các dụng cụ bảo hộ như mũ, áo, khẩu trang, găng tay.
Bước 3: Sát khuẩn vùng miệng và vùng răng định nhổ
Kiểm tra lại chính xác răng cần nhổ và sát khuẩn bằng dung dịch betadine 5 – 10%.
Bước 4: Gây tê
Đảm bảo đủ tê ngay lần tiêm đầu tiên, tránh tình trạng đang nhổ răng phải tiêm bổ sung vì lúc này hiệu lực của thuốc tê giảm, cũng như gây đau ảnh hưởng tâm lý của bệnh nhân.
Phương pháp gây tê, liều lượng thuốc tê phụ thuộc vào tiên lượng trước khi nhổ răng là khó hay không, loại thuốc tê phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân.
Bước 5: Bóc tách lợi và dây chằng cổ răng
Chỉ định: Áp dụng cho các răng chắc, vỡ thân hay chỉ còn chân răng.
Dụng cụ tách lợi: Dùng đầu nhọn của cây thám châm hoặc dùng các cây tách lợi chuyên dụng, đôi khi có thể dùng lưỡi bẩy để tách lợi.
Tác dụng: Tách lợi để tạo điều kiện cho mỏ kìm ôm sát cổ răng, đi xuống sâu dưới chân răng và không cặp vào lợi gây dập nát hoặc rách lợi. Đồng thời việc tách lợi còn giúp kiểm tra xem gây tê đã tốt chưa.
Bước 6: Sử dụng kìm, bẩy để nhổ răng
Chỉ định dùng kìm: dùng kìm để nhổ răng, chân răng mọc thẳng nằm trên bờ xương ổ răng.
Chỉ định dùng bẩy:
+ Thay thế cho kìm để nhổ răng, chân răng nằm ngang và thấp dưới bờ xương ổ răng.
+ Phụ trợ hay kết hợp với kìm để nhổ những răng còn chắc hay thân răng gãy vỡ phức tạp, chân răng dài mảnh.
Lưu ý: Nhổ răng bằng kìm an toàn và ít tai biến hơn nhổ răng bằng bẩy.
Bước 7: Kiểm soát huyệt ổ răng
Sau khi rút răng ra khỏi ổ răng, cần bơm rửa sạch và thấm khô để quan sát xương ổ răng và răng xem đã lấy được nguyên vẹn răng không.
Nếu quan sát thấy ổ răng có tổ chức hạt, cần phải nạo huyệt ổ răng lấy bỏ đi tổ chức xương vụn bệnh lý, tổ chức hạt, bọc u hạt hay nang chân răng. Khi nạo lưu ý tránh gây thương tổn như thủng xoang hàm hay xâm phạm vào ống răng dưới.
Bước 8: Cầm máu
Dùng tay bóp ép ổ răng hẹp lại tạo điều kiện thuận lợi cho cục máu đông thành lập, chóng lành thương và tránh gai xương (đây là thủ thuật đơn giản nhất để tạo hình xương ổ răng)
Cho bệnh nhân cắn bông để cầm máu
Trường hợp rách lợi do sang chấn khi nhổ răng có thể tiến hành khâu cầm máu.
Bước 9: Kê đơn và dặn dò bệnh nhân
- Những điều bình thường và bất thường:
– Đau và khó chịu: Cho thuốc giảm đau aspirin, acetaminophen, codein… Thường dùng 2 ngày liền sau nhổ răng. Nếu đau kéo dài quá 5 ngày cần đến khám lại
– Chảy máu: Cần cho cắn gạc trong vòng 15 – 30 phút, có thể đặt chất cầm máu vào ổ răng. Trong 24 giờ nếu rỉ chút máu lẫn nước bọt cũng là bình thường. Nếu chảy máu tươi ướt đẫm gạc và phảy thay gạc liên tục, hoặc phải nhổ hay nuốt máu liên tục cần tới cơ sở y tế để xử trí.
– Phù nề: có thể chườm bằng túi cao su đựng nước đá lạnh. Trong 24 giờ đầu cứ 30 phút trườm đá 1 lần.
– Hạn chế há miệng: Gặp trong nhổ răng hàm dưới bằng phương pháp thông thường cũng như phẫu thuật. Hạn chế này phụ thuộc vào mức độ can thiệp nặng hay nhẹ và sẽ hết sau 3 đến 7 ngày sau nhổ, có một số trường hợp dài hơn cần hỗ trợ tập há miệng.
- Những việc nên làm sau khi nhổ răng
– Thực hiện đúng theo y lệnh của bác sỹ
– Nghỉ ngơi
– Có gì bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ.
- Những việc nên tránh:
– Tránh ăn đồ rắn thô
– Không mút, chíp nơi phía ổ răng mới nhổ
– Không khạc nhổ nhiều và mạnh
– Không súc miệng trong 6 giờ đầu
– Không nhai kẹo cao su hay hút thuốc
– Không chườm nóng
– Kiêng bia rượu trong 24 giờ đầu.