Sâu răng ở lứa tuổi học đường và những điều bạn cần biết

Sâu răng là một bệnh khá phổ biến, thường gặp ở lứa tuổi học đường và là vấn đề quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ. Vậy bệnh sâu răng là gì, nó có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ và các biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh sâu răng ra sao xin mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây:

1. Bệnh sâu răng là gì?

– Sâu răng là một bệnh ở tổ chức cứng của răng, có đặc điểm làm tiêu dần các chất vô cơ và hữu cơ ở men răng, ngà răng, xương răng tạo thành lỗ sâu.
– Cần phân biệt với sún răng: sún răng chỉ gặp ở nhóm răng cửa sữa trên, có đặc điểm răng đen, tiêu cụt dần nhưng không đau (chỉ đau khi có biến chứng)
– Trẻ từ 6 – 8 tuổi có tỉ lệ sâu răng rất cao, do trẻ có sở thích ăn đồ ngọt, đặc điểm của răng sữa có mức độ canxi hóa chưa hoàn thiện, lớp men răng sữa còn mỏng, dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng nên rất dễ bị sâu.

2. Nguyên nhân dẫn đến sâu răng ở lứa tuổi học đường

– Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng là do vệ sinh răng miệng không sạch và không thường xuyên. Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển tấn công và hình thành lỗ sâu.
– Các em học sinh rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này, răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển.
– Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi sưng đau, trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó bệnh thường đã nặng.

3. Một số biến chứng của sâu răng sữa

– Tại thời điểm sâu răng, răng luôn bị đau, buốt, khiến răng bé yếu, không thể ăn đồ ăn cứng, không nhai được thức ăn, vì thế, tình trạng sức khỏe toàn thân sẽ bị ảnh hưởng do không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua ăn uống.
– Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm xương hàm, viêm và áp xe các phần mềm vùng miệng… buộc phải điều trị lâu dài và tốn kém.
– Ảnh hưởng lâu dài về sau do răng sữa của trẻ bị sâu không được điều trị là quá trình mọc răng vĩnh viễn của bé bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu răng sữa bị sâu, rụng trước thời điểm thay răng quá lâu sẽ làm răng vĩnh viễn khó mọc gây nên tình trạng răng lệch lạc, vẩu, móm…

4. Phòng và điều trị sâu răng ở lứa tuổi học đường

– Vệ sinh răng miệng đúng cách: là điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Bạn nên giám sát và giúp bé chải răng kỹ càng trong 2 phút mỗi lần, 2 lần mỗi ngày cho để chắc chắn bé đã có thói quen đánh răng tốt và đảm bảo vệ sinh.
– Sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride phù hợp với từng độ tuổi. Fluoride là thành phần trong mọi loại kem đánh răng của người lớn nhưng đây lại là chất hóa học có ảnh hưởng rất mạnh đến răng của trẻ nhỏ.
– Khuyến khích bé uống nước nhiều hơn để vi khuẩn không có cơ hội ở lại trong khoang miệng. Tránh để bé uống quá nhiều đồ ngọt như nước có ga, một số loại nước ép trái cây đóng hộp khác hay các loại soda…
– Khuyến khích bé và cùng bé thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh với nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Đối với bữa ăn nhẹ nên cân đối những món ăn bổ dưỡng và hạn chế đồ ngọt vì đồ ngọt chứa nhiều carbohydrate kích thích vi khuẩn tiết axit ăn mòn men răng.
– Khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần cho bé để sớm phát hiện, hỗ trợ điều trị sâu răng cũng như các bệnh răng miệng nếu có.