ZaUI Coffee

SỎI TUYẾN NƯỚC BỌT

SỎI TUYẾN NƯỚC BỌT

 

TS.BSCKII. VŨ ANH DŨNG

          Sỏi tuyến nước bọt là bệnh thường gặp trong các bệnh tuyến nước bọt. Hay gặp sỏi tuyến nước bọt dưới hàm, rất ít gặp sỏi tuyến mang tai. Sỏi tuyến gặp nhiều ở tuổi trưởng thành, rất ít gặp ở trẻ em, gặp ở nam nhiều hơn nữ.

  1. Bệnh sinh

Mặc dù bệnh lý rất rõ ràng về mặt lâm sàng nhưng về cơ chế bệnh sinh và bệnh căn của sỏi tuyến nước bọt vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Có một số quan điểm hình thành sỏi tuyến như sau:

– Sự thay đổi thành phần và hoạt tính lý hóa của nước bọt dẫn đến sự lắng đọng các muối vô cơ hình thành sỏi tuyến. Lúc đầu một cục muối nhỏ hình thành bám vào thành tuyến, sau các chất nhầy và các chất hữu cơ bám dần và lắng đọng hình thành sỏi  và phát triển to dần.

– Chức năng nhu động của ống tuyến giảm ở những vị trí gấp khúc tạo sự ứ đọng nước bọt và muối vô cơ, dần dần hình thành sỏi tuyến nước bọt.

– Hình thành sỏi tuyến nước bọt liên quan đến quá trình viêm nhiễm trước đó của tuyến nước bọt. Tuyến bị viêm làm thay đổi thành phần hoá học, độ PH nước bọt, kết hợp với rối loạn bài tiết, có những đoạn ống bị ứ đọng các chất hữu cơ làm quá trình lắng đọng muối vô cơ nhanh và dễ dàng.

– Thuyết những hạt dị vật trôi ngược vào ống tuyến (mẩu xương cá, vụn thức ăn, hạt chi, viên sạn nhỏ…) hoặc bị đẩy ngược vào ống tạo thành trung tâm cho quá trình hình thành sỏi tuyến.

Thành phần hoá học của sỏi tuyến gồm chủ yếu là chất vô cơ phosphatcanxi (80%), cacbonatcanxi (10%), vết của các chất Natri, Magie, Kali, Sắt… các chất hữu cơ có thể gặp: tế bào biểu mô, xác vi khuẩn, nấm, chất nhầy.

Độ lớn của viên sỏi rất khác nhau có thể bằng đầu tăm đến quả trứng gà. Hình thái viên sỏi cũng khác nhau tuỳ theo vị trí khu trú. Sỏi ống tuyến thường có hình ôvan hoặc tròn nhẵn, sỏi nhu mô tuyến có hình thù đa dạng và xù xì. Có một số trường hợp sỏi vô cơ không cản quang. Hình ảnh lâm sàng không liên quan đến thời gian mắc bệnh, kích thước và vị trí, hình thể viên sỏi. Sỏi ống tuyến gặp nhiều hơn trong nhu mô tuyến nước bọt.

  1. Triệu chứng

Sỏi tuyến nước bọt chủ yếu gặp ở tuyến nước bọt dưới hàm.

Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào vị trí của viên sỏi. Nếu sỏi ở trong ống tuyến  biểu hiện lâm sàng rõ hơn ở trong nhu mô tuyến.

Đau kèm theo bỏng rát vùng dưới hàm, dưới lưỡi và lan ra đầu lưỡi; đau tăng khi ăn uống (trong bữa ăn) và giảm dần sau khi ăn.

Rối loạn tiết nước bọt và ứ trệ nước bọt: Tuyến nước bọt sưng to rõ trong khi ăn (hoặc dùng chất kích thích tăng tiết) do tuyến tăng tiết và ứ trệ nước both. Sau thời gian nước bọt thoát ra được và khối lượng tuyến giảm dần, có khi trở lại hoàn toàn bình thường.

Sờ thấy tuyến dưới hàm sưng to kèm theo đau. Đến giai đoạn viêm tái diễn nhiều lần tuyến xơ hoá thì đau liên tục, mật độ cứng chắc và không phục hồi trở lại bình thường.

Có thể gặp những đợt viêm cấp tính tuyến dưới hàm như một viêm cấp thông thường.

Sờ trong miệng phía dưới lưỡi tương ứng vị trí ống tuyến có thể thấy viên sỏi, nếu sỏi trong nhu mô sẽ không sờ thấy. Lỗ Wharton bên tuyến bị viêm nề đỏ, vuốt dọc ống tuyến có dịch mủ.

X quang: Chụp film cắn hay hàm chếch có thể thấy hình ảnh sỏi cản quang. Trên film chụp bơm thuốc cản quang có thể thấy hình ảnh ống tuyến giãn rộng trước viên sỏi do ứ nước bọt. Nhu mô tuyến có thể bình thường hoặc kém ngấm thuốc. Siêu âm tuyến có thể thấy hình ảnh sỏi và hình ảnh nhung mô tuyến. Nếu có điều kiện cho bệnh nhân chụp CT.Scanner để cho kết quả chính xác hơn (Hình 1).

Hình 1. Sỏi tuyến nước bọt dưới hàm trên phim CT Conebeam

 

  1. Điều trị

Điều trị bệnh lý sỏi tuyến nước bọt dưới hàm phải kết hợp cả nội khoa với thủ thuật hoặc phẫu thuật cắt tuyến.

Nội soi lấy sỏi: Nếu ống tuyến thông thoáng, có sỏi di động trong lòng ống dễ dàng, tuyến không teo, chức năng còn tốt, sẽ thực hiện nội soi ống mềm. Thực hiện lấy sỏi trong ống tuyến nước bọt bằng kẹp vi phẫu có rọ đường kính 0,8mm. Kỹ thuật được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên sâu.

Hình 2. Sỏi tuyến dưới hàm gần miệng lỗ tuyến Wharton

Tán sỏi tuyến nước bọt ngoài cơ thể: Sử dụng máy tán sỏi ngoài cơ thể Minitlith SL1 (Storz Médical) dành riêng để tán sỏi tuyến nước bọt. Xác định chính xác vị trí sỏi bằng sóng siêu âm 7,5 MHz và dùng sóng xung kích điện từ tập trung phá vỡ sỏi. Sỏi vụn thoát ra ngoài qua nước bọt hoặc được gắp ra bằng các dụng cụ nội soi vi phẫu.

Phẫu thuật lấy sỏi: Ở giai đoạn mới, khi nhu mô tuyến còn khả năng hồi phục; sỏi ở ống tuyến. Khi đó có chỉ định phẫu thuật lấy sỏi qua đường miệng, kết hợp dùng kháng sinh, chống viêm, giảm đau.

Phẫu thuật cắt tuyến: Ở giai đoạn muộn, tổ chức tuyến đã xơ hóa nhiều hoặc sỏi nằm ở cổ tuyến cần chỉ định cắt bỏ tuyến dưới hàm kết hợp lấy sỏi. Cắt bỏ tuyến dưới hàm, cần đề phòng tổn thương thần kinh lưỡi ( Hình 3).

Hình 5. Mổ nhiều sỏi trong tuyến nước bọt dưới hàm + cắt tuyến